Tin tham khảo liên quan 07/12/2015 08:01:40

Đại học Duy Tân giành giải Nhất toàn đoàn hội thi "Tiếng hát sinh viên toàn quốc XIV năm học 2015-2016, KV Miền Trung: Xứng đáng và đầy thuyết phục!

(ictdanang)- Đó là nhận xét chung của đông đảo khán giả trẻ về chương trình biểu diễn tham dự Hội thi của Đại học Duy Tân. Cùng với 2 giải Nhì vòng loại khu vực: ĐH Kinh tế và ĐH Bách khoa-ĐH Đà Nẵng, miền Trung có 3 đại diện xứng đáng vào tranh tài ở vòng chung kết toàn quốc (tháng 4/2016, dự kiến cũng sẽ diễn ra tại Đà Nẵng).

 

Đoàn Văn nghệ Đại học Duy Tân mang đến Hội thi một chương trình được đầu tư bài bản, công phu, tiệm cận với phong cách biểu diễn chuyên nghiệp.                -Ảnh: T.N.

 

Tối qua (4/12) tại Hội trường ĐH Bách khoa (ĐH Đà Nẵng) đã diễn ra đêm công diễn, trao giải Hội thi Tiếng hát SV toàn quốc XIV năm học 2015-2016, KV Miền Trung do ĐH Đà Nẵng đăng cai (từ ngày 1 đến 4/12/2015).

Hội đồng Giám khảo đã đưa ra kết quả đầy thuyết phục, phản ánh đúng chất lượng chuyên môn của các chương trình nghệ thuật, cũng như từng tiết mục.

Sau Top trên cùng (Nhất-Nhì ), các giải Ba đã lần lượt thuộc về ĐH Ngoại ngữ, ĐH Sư phạm (ĐH Đà Nẵng) và ĐH Vinh (bảng không chuyên); Học viện Âm nhạc Huế (bảng chuyên). Có 16 tiết mục được trao giải A, 16 giải B và 19 tiết mục nhận giải Khuyến khích.

 

Thừa ủy nhiệm Bộ trưởng, đại diện lãnh đạo Vụ Công tác HSSV Bộ Giáo dục và Đào tạo trao bằng khen đến đại diện ĐH Đà Nẵng - đơn vị đăng cai. -Ảnh: T.N.

 

Phó GS.TS Ngô Văn Dưỡng-Phó Giám đốc ĐH Đà Nẵng, Trưởng BTC vòng loại cấp khu vực của Hội thi, trong phát biểu tổng kết cho biết:

Với hơn 200 thí sinh, cán bộ phụ trách đến từ 13 đoàn các trường ĐH, CĐ, Học viện trong khu vực đã đem đến cho hội thi gần 60 tiết mục văn nghệ đặc sắc ở 3 thể loại trong đó có 18 tiết mục đơn ca, 7 tiết mục song ca và tam ca, 20 tiết mục tốp ca, 1 tiết mục nhạc cụ và 13 tiết mục múa.

Các chương trình biểu diễn dự thi của các đoàn đều đã phản ánh đúng chủ đề của Hội thi: Ca ngợi tình yêu quê hương, đất nước; tình cảm và niềm tin sâu sắc đối với Đảng và Bác Hồ kính yêu; thể hiện sự trân trọng, kế thừa và phát huy truyền thống lịch sử, bản sắc văn hóa của dân tộc và những tình cảm, ước mơ, trách nhiệm của sinh viên đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; góp phần vào công cuộc đổi mới đất nước và hội nhập quốc tế.

Đặc biệt các đoàn về dự Hội thi, đến từ nhiều vùng miền, địa phương của khu vực Miền Trung đã đem đến cho Hội thi nhiều chương trình, tiết mục đặc sắc với nội dung, nghệ thuật thể hiện được phần nào những tinh hoa của dải đất miền Trung giàu bản sắc của những người dân miền Trung mang trong mình truyền thống cần cù, sáng tạo, giàu nghị lực và anh hùng.

 

Đại diện Đoàn Văn nghệ ĐH Duy Tân đón nhận Cờ, bằng khen và hoa dành cho đơn vị Giải Nhất toàn đoàn từ lãnh đạo ĐH Đà Nẵng-đơn vị đăng cai và lãnh đạo Vụ Công tác HSSV Bộ Giáo dục và Đào tạo.                                                                                 -Ảnh: T.N

Đại diện Đoàn Văn nghệ ĐH Bách khoa và ĐH Kinh tế (ĐH Đà Nẵng) đón nhận Cờ, bằng khen và hoa dành cho đơn vị Giải Nhì toàn đoàn từ lãnh đạo Ban Tuyên giáo TƯ tại Miền Trung và lãnh đạo ĐH Đà Nẵng-đơn vị đăng cai.

 

BTC trân trọng ghi nhận những nỗ lực tham gia tập luyện, biểu diễn đầy nhiệt tình, cống hiến và say mê văn hóa nghệ thuật của 13 đoàn ĐH, CĐ và học viện khu vực miền Trung trong đó có những đoàn phải di chuyển quảng đường rất xa như: Trường Cao đẳng Sư phạm Ninh Thuận, Trường Đại học Vinh và Học viện Âm nhạc Huế.

Kết quả Hội thi – Phó GS.TS Ngô Văn Dưỡng nhấn mạnh - sẽ là những kinh nghiệm quý báu giúp các đơn vị, các em sinh viên tiếp tục nuôi dưỡng lòng say mê văn hóa nghệ thuật, hoàn thiện nội dung nghệ thuật chương trình để tham gia có chất lượng tốt hơn trong vòng chung kết sắp đến cũng như đóng góp cho sự phát triển của phong trào văn hóa, văn nghệ của nhà trường.

Bên cạnh những giải thưởng của hội thi, thành công lớn nhất chính là đã tạo ra được một khí thế mới, một môi trường, sân chơi tích cực để các em sinh viên được giao lưu, tăng cường hiểu biết lẫn nhau, phát triển mối quan hệ gắn bó bền chặt giữa các trường trong khu vực; tăng thêm niềm tự hào và tình yêu đối với mảnh đất và con người miền Trung; phát hiện được thêm những hạt giống trong phong trào văn nghệ của sinh viên khu vực; tiếp tục động viên, bồi dưỡng, khích lệ các em phát triển năng lực bản thân, được giáo dục toàn diện trong một môi trường học đường lành mạnh.

 

Đại diện các Đoàn đón nhận giải A từ đại diện Nhà tài trợ và đại diện lãnh đạo Vụ Công tác HSSV Bộ Giáo dục và Đào tạo.                                                             -Ảnh:T.N

Múa "Hoa núi" tiết mục giành giải A của Đoàn Văn nghệ ĐH Kinh tế-ĐH Đà Nẵng.

-Ảnh: T.N

Tiết mục hát múa "Con Rồng Việt Nam" của Đoàn Văn nghệ ĐH Bách khoa-ĐH Đà Nẵng, giành giải A tại Hội thi.

Dịp tốt nhất để đánh giá, định hướng và thúc đẩy phong trào văn hóa văn nghệ trong nhà trường

Ngoài những thành công, qua các chương trình nghệ thuật tại Hội thi cũng cho thấy những điểm hạn chế đáng tiếc. Do nhiều nguyên nhân và điều kiện, có Đoàn đến với Hội thi theo tinh thần “góp mặt” là chính (cũng có Đoàn đã dăng ký, sau đó không thể tham gia. Số lượng thực tế chỉ có 13 đơn vị thay vì 17 như công bố ban đầu).

Song song với các chương trình được đầu tư rất kỹ lưỡng, chọn và phản ảnh xuyên suốt một chủ đề (đơn cử như hình tượng Mẹ của Đoàn Đại học Duy Tân) bằng ngôn ngữ nghệ thuật đầy trau chuốt, mang lại giá trị biểu cảm và tính giáo dục sâu sắc; cũng có chương trình quá đơn giản, thậm chí tùy tiện dễ dãi một cách tự nhiên như tham gia một hoạt động văn nghệ giảng đường cấp liên chi, cấp khoa. Nội dung lời dẫn (lời giới thiệu để đi vào tiết mục) tự nhiên theo phong cách văn nói, như đang trò chuyện trên lớp với nhau vậy.

Hình tượng Mẹ xuyên suốt trong Chương trình của Đoàn Đại học Duy Tân và tạo được độ rung nghệ thuật, biểu đạt tốt chủ đề tư tưởng.

-Ảnh: T.N

Đơn ca, múa minh họa, ca khúc "Thư pháp", tiết mục giành giải A tại Hội thi của ĐH Kinh tế-ĐH Đà Nẵng.

 

Có ca sỹ tuy đang được đào tạo theo hướng biểu diễn chuyên nghiệp song lại mắc lỗi về phong cách thể hiện. Tuy không nghiêm trọng những rất khó chịu và phản cảm.

Thầy cô (thanh nhạc) cần lưu ý các em về phong cách trước công chúng.

Hát một ca khúc mang tính sử thi, tráng ca, thể hiện lòng tự hào dân tộc không thể có những động tác như ca sỹ  rock band, vừa hát vừa dùng một ngón tay trỏ khuấy khuấy lên trời rồi chỉ về phía khán giả như trêu chọc, thách thức.

Phải tùy nội dung ca khúc và thể loại âm nhạc.

Có thể do nhiều nguyên nhân, Hội thi không có nhiều tiết mục mới xuất sắc hoặc có nhưng rất hiếm. Có Đoàn dựng lại các tiết mục đã quá quen thuộc với công chúng, nên xem thì đầu vẫn “gật, gật” , miệng vẫn khen “được, được” mà trong lòng thì cứ mong một làn gió mới, một trạng thái cảm xúc mới.

Ngoài ra, trong phát biểu tổng kết, vị đại diện Hội đồng Giám khảo cũng đã có một nhắc nhở, lưu ý thêm hết sức đáng quý cho các Đoàn: Đừng quá lạm dụng các thủ pháp nghệ thuật, tránh sự nhàm chán hay “chẳng biết là hát hay múa”.

Thực tế tại Hội thi, một số tiết mục đơn ca, trong múa minh họa, sự xuất hiện của diễn viên múa quá nhiều, khiến người xem tưởng chừng như phần hát (của tiết mục đơn ca) là hát nền cho các động tác múa. Lẽ ra động tác múa chỉ minh họa cho những điểm nhấn cao trào của ca khúc.

Cũng có thể thấy ngay ở động tác múa, ở một số tiết mục, nhiều động tác lặp lại nhiều lần nhưng không rõ động tác ấy nói (biểu đạt) về cái gì ?

 

Đại diện Ban Tuyên giáo Thành ủy Đà Nẵng và lãnh đạo ĐH Bách khoa-ĐH Đà Nẵng trao giải Ba đến các đơn vị (ảnh trên) ; (ảnh tiếp theo) Hát múa "Dậy mà đi", tiết mục giành giải A tại Hội thi của Đại học Vinh.

-Ảnh: T.N

 

Vượt lên những bất cập, hạn chế, Hội thi Tiếng hát Sinh viên toàn quốc lần thứ XIV năm học 2015-2016 khu vực miền Trung đã kết thúc và thành công trọn vẹn, “đạt được mục đích, ý nghĩa của hội thi và đáp ứng được mong đợi của các nhà trường, các nhà tài trợ, các thầy cô giáo và HSSV khu vực miền Trung”, ”tuyển chọn các chương trình, tiết mục xuất sắc dự thi vòng chung kết toàn quốc”. Quan trọng hơn, đây cũng là dịp để “đánh giá, định hướng và thúc đẩy phong trào văn hóa văn nghệ trong nhà trường, góp phần đáp ứng yêu cầu giáo dục toàn diện cho HSSV”, như lời của Phó GS.TS Ngô Văn Dưỡng, nhất là “tăng cường giáo dục thẩm mỹ cho HSSV”.

 

Đơn ca, múa minh họa, ca khúc "Thư pháp", tiết mục giành giải A tại Hội thi của ĐH Kinh tế-ĐH Đà Nẵng.

Đại diện các đơn vị đón nhận giải B và giải khuyến khích

 

                                                                                                                                                               (Trần Ngọc thực hiện)

» Tin mới nhất:

» Tin khác: